Giám đốc công nghệ kiêm nhà đồng sáng lập SotaTek thừa nhận mình là người nghiện game, từng trốn học ra quán net. Con đường đưa anh đến với công nghệ là từ quán game chứ không phải môn tin học phổ thông. Sau khi tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thông tin, Hữu An đầu quân cho một công ty trò chơi di động của Nhật có văn phòng tại Việt Nam vào năm 2011.
"10 năm trước game mobile bùng nổ, tôi có cơ hội phát triển và vận hành những trò chơi lớn, đứng top thị trường Mỹ và châu Âu. Sau 4 năm, với kinh nghiệm và mối quan hệ tích lũy, tôi quyết định cùng nhóm bạn mở công ty riêng để khởi nghiệp, làm gì đó của riêng mình", Hữu An kể.
Chọn việc khó nhất để khởi nghiệp
Tháng 8/2015, Nguyễn Hữu An cùng 5 người bạn thành lập SotaTek nhưng vẫn chưa có định hướng rõ ràng cho công ty. "Lúc đó, mọi người chỉ nghĩ sẽ làm gia công phần mềm, vừa lấy ngắn nuôi dài, vừa tích lũy kinh nghiệm rồi sẽ dần tìm ra đường hướng phát triển công ty. Tôi quyết định tìm những dự án khó về công nghệ, không phải ai hoặc công ty nào cũng có thể giải quyết. Đến nay, SotaTek vẫn giữ đúng tinh thần này, chọn việc khó để làm, không phân biệt lớn nhỏ", An cho biết.
Từ những dự án nhỏ nhưng khó, startup của An dần được đối tác tin tưởng và giao cho nhiều dự án mới. Sau một năm, công ty từ 6 người nhanh chóng mở rộng lên 30 người. Trụ sở chuyển từ một căn chung cư chật hẹp sang văn phòng khang trang.
Theo An, có rất nhiều thử thách và khác biệt khi vận hành công ty chỉ 5-6 người so với khi mở rộng thành vài chục người. Khi mới bắt đầu, mọi người sẵn sàng làm ngày làm đêm, thậm chí không cần lương. Nhưng lúc có 30 nhân sự, công ty tốn nhiều chi phí vận hành nhưng lại chưa xây dựng được hồ sơ năng lực để mở rộng các dự án mới. "Nhiều lúc đã gần đến ngày trả lương, tài khoản công ty chỉ còn 10 triệu đồng. Giai đoạn này kéo dài 3-5 tháng khiến tôi và đội ngũ sáng lập luôn trong tình trạng áp lực và phải tính toán xem cần bỏ thêm bao nhiêu tiền vào để bù hoặc làm cách nào để tài khoản không âm", anh kể.
Năm 2017, SotaTek dần vượt qua khó khăn và bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh khi trào lưu blockchain bùng nổ.
'Tay không bắt giặc' trong thế giới blockchain
Nguyễn Hữu An cho biết giai đoạn 2017, các dự án ICO (phát hành tiền mã hóa lần đầu) nở rộ ở quy mô toàn cầu. Nhiều khách hàng trong nước và quốc tế tìm đến công ty outsource, nhưng không nhiều đơn vị có nền tảng blockchain. Sau khi nghiên cứu và đánh giá, dù không kỳ vọng là "cây đũa thần", CTO 8x nhận định blockchain có thể là nền tảng trụ cột trong tương lai nên quyết định tìm hiểu xem bản chất blockchain là gì, hoạt động thế nào, có thể làm gì với công nghệ này.
Năm đó, một khách hàng lớn ở Hàn Quốc dự định xây dựng sàn giao dịch tiền số lớn. Sau khi tham khảo một số bên và không nhận được sản phẩm như ý, họ tìm đến SotaTek. "Khi đó, tôi nói thẳng là chúng tôi chưa từng làm blockchain, giờ muốn làm phải chấp nhận để chúng tôi bắt đầu học", An kể. Vì không còn nhiều lựa chọn và từng được SotaTek giải quyết một số bài toán khó khác trước đó, khách hàng này đồng ý để startup Việt vừa học vừa làm.
Giai đoạn đó, trên thị trường chưa có nhiều mô hình mẫu để tham khảo, An và một đồng nghiệp phải bay sang Hàn Quốc làm việc trong hai tháng liên tục để ra được sản phẩm đầu tiên. Nửa tháng sau, dự án đi vào vận hành và trở thành một trong những sàn tiền số lớn ở Hàn Quốc, từng có khối lượng giao dịch khoảng hơn 20 triệu USD một ngày.
Sau thành công của dự án đầu tiên, SotaTek trở thành startup có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng và được Hiệp hội Doanh nghiệp và Dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) vinh danh là một trong 10 công ty blockchain hàng đầu tại Việt Nam năm 2021. SotaTek có giai đoạn tăng trưởng 3.000%, nhân sự hiện tại 750 người.
Dù nắm trong tay kỹ thuật nền tảng, thực hiện nhiều dự án khó với quy mô lớn, Hữu An và SotaTek vẫn quyết định đứng ngoài trào lưu, không tham gia vào làn sóng ICO hồi năm 2017. Theo anh, việc không làm sản phẩm để gọi vốn là may mắn nhưng cũng là điều đáng tiếc của công ty. "May mắn vì giai đoạn đó thị trường rất hỗn loại, nhiều dự án làm ra chỉ để gọi đầu tư rồi biến mất. Sau đó mùa đông crypto ập đến, nhiều dự án đóng cửa còn SotaTek vẫn phát triển đều và không bị ảnh hưởng danh tiếng", An cho hay.
Còn về sự tiếc nuối, anh cho rằng nếu có thêm chút may mắn, dám bước ra khỏi vùng an toàn từ cách đây 5 năm, anh và đội ngũ có thể sớm thoát được cái bóng gia công phần mềm, hướng đến làm sản phẩm lâu dài.
Giai đoạn cuối 2017-2020, thị trường blockchain ảm đạm, các dự án không còn nhiều nhưng SotaTek tiếp tục outsource, nghiên cứu công nghệ mới. "Không phải công nghệ nào chúng tôi đầu tư cũng thành công. Trước đó, khi livestream thịnh hành, tôi cũng tham gia nhưng thị trường không bùng nổ như kỳ vọng. Nhưng tôi tin, trong 5-7 xu hướng công nghệ mình chọn và đầu tư, chỉ cần 1-2 trở thành trào lưu là đủ thành công", nhà đồng sáng lập SotaTek chia sẻ.
Đến năm 2021, khi làn sóng blockchain quay lại, SotaTek tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Hữu An dấn thân sâu hơn vào lĩnh vực, tự xây dựng và vận hành nhiều dự án. Trong đó, nổi bật là nền tảng DeFi Gaming tên Bunicorn, hoạt động như một hệ sinh thái gồm cả sàn giao dịch phi tập trung, ký gửi, game và mở rộng ra các sản phẩm xoay quanh NFT, cho phép thực hiện đấu giá token...
Ngoài blockchain, dưới sự dẫn dắt của Hữu An, Sotatek còn triển khai nhiều dự án công nghệ, chuyển đổi số cho khách hàng trong nước và quốc tế. Có thể kể đến "siêu dự án" cho khách hàng Malaysia trong việc triển khai hệ thống trên 100 microservices, xây dựng hệ sinh thái đóng kín, hoàn thiện tất cả nghiệp vụ từ B2C đến B2B, phục vụ cho 3,6 triệu người dùng.
"Điều khiến tôi ấn tượng là Nguyễn Hữu An dám lao vào những dự án khó để tìm cách giải quyết. Giai đoạn 2017 khi công nghệ blockchain mới chớm nở, thị trường không có sẵn nhiều dự án để mọi người có thể tham khảo và làm theo nhưng An đã tự mày mò và thành công với những sản phẩm lớn, khó", ông Huy Nguyễn, đồng sáng lập KardiaChain, thành viên ban giám khảo chương trình Bình chọn lãnh đạo công nghệ trẻ 2022, nhận định, đồng thời đánh giá An là người giỏi kỹ thuật, nắm kiến thức sâu và chắc.