ĐIỂM NHẤN TẠI SỰ KIỆN NGÀY HỘI KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO - TECHFEST VÙNG BẮC TRUNG BỘ VÀ DUYÊN HẢI MIỀN TRUNG NĂM 2024
Ngày cập nhật 11/10/2024

Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo - Techfest vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung năm 2024 được tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế với chủ đề “Liên kết vùng, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo và phát triển bền vững” đã mở ra một sân chơi hữu ích, hội tụ các nguồn lực, trở thành nơi kết nối, liên kết, thu hút các đối tác chiến lược, chuyên gia, nhà đầu tư, quỹ đầu tư quốc tế hỗ trợ cho hệ sinh thái cộng đồng khởi nghiệp, là nơi trao đổi kinh nghiệm, thực thi những định hướng quốc gia khởi nghiệp. Qua đó, định hướng phát triển cho các sản phẩm, dịch vụ khởi nghiệp sáng tạo dựa trên lợi thế, tiềm năng thế mạnh của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.

Sự kiện diễn ra với nhiều hoạt động ý nghĩa, như: (1) Diễn đàn “Kết nối nguồn lực, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển kinh tế -  xã hội vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung”; (2) Triển lãm, giới thiệu thiết bị công nghệ, sản phẩm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo, sản phẩm chủ lực của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; (3) Hội thảo “Nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp - động lực tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương; (4) Hội thảo “Tham vấn cơ chế, chính sách thúc đẩy môi trường pháp lý hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo”. Ngoài ra còn có các hoạt động kết nối đầu tư và ký kết hợp tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực AI, robot, chăm sóc sắc đẹp...

Đa dạng các hoạt động tại Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo - Techfest vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung năm 2024

Hoạt động Triển lãm trong khuôn khổ Ngày hội cũng đã thu hút gần 60 đơn vị tham gia trưng bày, hơn 300 sản phẩm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.

Đây cũng là dịp để các địa phương, chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư, start -up tham vấn cơ chế chính sách cho hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; Chia sẻ, trao đổi, thảo luận, đặt ra những vấn đề ưu tiên trong giải quyết các “bài toán” phát triển kinh tế - xã hội khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Qua đó, đẩy mạnh liên kết hệ sinh thái Cố đô khởi nghiệp với hệ sinh thái khởi nghiệp  sáng tạo vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.

Thông qua sự kiện, Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh liên kết giữa các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong vùng, kết nối, thu hút tiếp cận với các nguồn lực chuyên gia, các nhà đầu tư, nguồn vốn và công nghệ trong nước và quốc tế cùng tham gia đầu tư, góp phần thúc đẩy, phát triển các ngành kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng.

HỘI TỤ NGUỒN LỰC, LIÊN KẾT VÙNG THÚC ĐẤY KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Thu hút các nguồn lực, đẩy mạnh liên kết nội vùng, liên vùng trong việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo để giải quyết các bài toán phát triển lớn của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là một trong những giải pháp chiến lược, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn vùng, từng bước thúc đẩy sự hình thành và phát triển mạnh mẽ các ngành, nghề, lĩnh vực mới.

Trong bài phát biểu Techfest vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung năm 2024 Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh cho biết: “Đặc trưng tạo nên điểm mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam được các chuyên gia, tổ chức quốc tế đánh giá cao chính là sự vào cuộc, quan tâm của cả hệ thống chính trị, là sức trẻ, là nguồn nhân lực chất lượng cao, là môi trường kinh doanh được cải thiện, sự hội nhập quốc tế và vị trí Việt Nam trên thị trường quốc tế ngày càng gia tăng”.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh phát biểu tại Lễ Khai mạc Techfest vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung năm 2024

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, cơ chế, chính sách về KHCN, đặc biệt là đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, thiếu thống nhất trong cách nghĩ và thực thi chính sách pháp luật. Trong các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý, điều hành vẫn còn đang sử dụng các thuật ngữ về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo theo các cách nghĩ khác nhau. Điều này, gây ra sự không chuẩn xác, lúng túng, không thống nhất, chồng chéo trong thực thi các hoạt động chuyên môn và trong công tác quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, việc định danh, phân biệt chức năng nhiệm vụ của các tổ chức liên quan đến đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo hiện không thống nhất. Trong các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hành chính, còn sử dụng với nhiều quy định khác nhau về điều kiện, tiêu chí, thẩm quyền, cơ chế, chính sách đối với việc thành lập hoạt động các tổ chức, cá nhân hoạt động hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo. Các văn bản vi phạm pháp luật có phạm vi, đối tượng điều chỉnh liên quan đến đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo được xây dựng, ban hành bởi nhiều cơ quan chủ trì khác nhau nhưng chưa có sự thống nhất xuyên suốt gây khó khăn, thậm chí không thực hiện được các cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh cho biết.

Đồng thời, Thứ trưởng Hoàng Minh đề nghị, các địa phương trong vùng tăng cường liên kết với các sáng kiến, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo gắn chặt với định hướng phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, tạo thuận lợi chuyển dịch các nguồn lực, khai thác lợi thế bản địa ở từng địa phương cho KHCN&ĐMST, khởi nghiệp sáng tạo. Bộ KH&CN cam kết sẽ luôn đồng hành, ủng hộ Thừa Thiên Huế và các địa phương trong quá trình xây dựng và triển khai các hoạt động để gia tăng hơn nữa đóng góp của KHCN&ĐMST vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng và của đất nước.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại Lễ Khai mạc

Phát biểu tại buổi Lễ Khai mạc, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế bày tỏ, mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, tham vấn chính sách của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia trong hiến kế các giải pháp phát triển KHCN, khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh cũng như các giải pháp tăng cường sự liên kết, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp giữa các địa phương trong vùng. Cùng với các địa phương, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ phấn đấu xây dựng mô hình trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia, trở thành trung tâm lớn của cả nước về KH&CN, là điểm đến thu hút các nguồn lực khởi nghiệp sáng tạo, là nơi để các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước và quốc tế tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư và phát triển theo định hướng của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 04/5/2024 phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bàn về các giải pháp kết nối nguồn lực, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, ông Phạm Hồng Quất, Cục Trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN cho rằng: “ Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung cần liên kết với nhau để xây dựng chiến lược, chương trình hành động, nhằm tối ưu hóa các nguồn lực sẵn có, lựa chọn các hạt nhân để làm đầu mối, hình thành các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo có sự tham gia của khu vực công và tư, khu vực doanh nghiệp, viện, trường.

Thời gian đến, Bộ KH&CN luôn sẵn sàng đồng hành cùng các tỉnh, thành trong vùng để kết nối vùng. Đặc biệt, kết nối với các tổ chức quốc tế, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Liên Hiệp Quốc, các quỹ đầu tư tài chính xanh, giúp cho vùng có thể kết nối với các chuyên gia về công nghệ, tài chính để phát triển bền vững, phát triển xanh. Đặc biệt là kinh tế tuần hoàn, khai thác lợi thế về du lịch, văn hóa bản địa, công nghệ xanh, kinh tế biển và những lợi thế mà mỗi địa phương trong vùng đang có”, ông Phạm Hồng Quất nhấn mạnh.

Tiếp cận từ góc nhìn cơ quan quản lý, cơ quan trực tiếp tham mưu các hoạt động KHCN&ĐMST tại địa phương, ông Hồ Thắng – Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng “Để phát huy tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh liên kết nội vùng, liên vùng thì mỗi địa phương cần định vị và xác định các ngành kinh tế - xã hội trọng điểm dựa trên tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để ưu tiên phát triển. Đặt mối quan hệ của doanh nghiệp, địa phương trong mối quan hệ của vùng và liên vùng, kết nối thu hút nguồn lực trong và ngoài nước. Xem doanh nghiệp là trọng tâm trong hỗ trợ, đẩy mạnh ứng dụng KHCN và thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo vào trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của địa phương và của khu vực. Từ đó, liên kết các đối tác quốc tế, các nhà đầu tư chiến lược, liên kết các ngành, doanh nghiệp, các tổ chức KH&CN, cơ sở nghiên cứu, trường đại học vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung trong tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, chuyển giao công nghệ và thương mại hoá các kết quả nghiên cứu để giải quyết bài toán phát triển lớn của khu vực và đất nước”.

Ông Hồ Thắng – Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ tại Diễn đàn

Còn theo quan điểm ông Trương Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia cho rằng giải pháp xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo liên kết vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung “Cần xây dựng mạng lưới liên kết giữa các startup, nhà đầu tư, và chính quyền địa phương. Mạng lưới này không chỉ giúp kết nối nguồn lực mà còn tạo ra các cơ hội hợp tác liên vùng và chia sẻ kinh nghiệm. Quan trọng hơn, để hoạt động hiệu quả thì mạng lưới này cần được hình thành một cách chính danh và cần có ban điều hành chính thức”.

Một khía cạnh khác liên quan đến giải pháp kết nối, thu hút các nhà đầu tư, quỹ đầu tư dành cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam được nhắc đến trong bài phát biểu tham luận của ông Trần Văn Tùng, Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN đó là “Chú trọng đến phát triển nguồn nhân lực hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Thực tiễn cho thấy, chúng ta đồng hành, báo cáo, tham gia các cuộc thi ở Mỹ, Singapore, Hàn Quốc và các nước khác trên thế giới chúng ta cùng tiếng nói, cùng trình độ và cùng cách làm với các nước trên thế giới. Đây cũng là cách giúp chúng ta thu hút các nhà đầu tư quan tâm, đánh giá, đầu tư đến các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam”.

Từ những tiềm năng, lợi thế của tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, tại Diễn đàn, ông Fook Yen Chong, Chuyên gia chính về lĩnh vực xã hội Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và ông Choi Hyeong Suk, Chuyên gia phát triển ngành AI - Công nghiệp Robot tại Việt Nam đã chia sẻ các nội dung liên quan đến kết nối các nguồn lực quốc tế, các quỹ đầu tư mạo hiểm về công nghệ AI, Bán dẫn, Robot về Việt Nam, phục vụ quá trình chuyển đổi và phát triển bền vững của các địa phương trong vùng.

Ông Fook Yen Chong, Chuyên gia chính về lĩnh vực xã hội Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) chia sẻ tại Diễn đàn

Ngày nay, ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn kinh tế tham gia các hoạt động trong hợp tác với doanh nghiệp khởi nghiệp, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, qua đó tiếp thêm nhiều động lực, nguồn lực quan trọng cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Tiếp cận dưới góc nhìn của Tập đoàn công nghệ, ông Hoàng Ngọc Thạch, Giám đốc FPT Healthcare nhấn mạnh “FPT với hệ sinh thái của Tập đoàn công nghệ, Giáo dục và đối tác quốc tế sẽ đồng hành, kết nối nguồn lực Thế Giới với Thừa Thiên Huế cũng như kết nối giữa Thừa Thiên Huế với thế giới trong các lĩnh vực công nghệ, A.I, bán dẫn, Y tế số”.

Kỳ vọng, thông qua các hoạt động tại Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo - Techfest vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung năm 2024 sẽ góp phần tăng cường hơn nữa sự liên kết vùng giữa các địa phương, thu hút hơn nữa các nguồn lực chuyên gia, đối tác quốc tế, các quỹ đầu tư trong hỗ trợ các nguồn lực thực hiện hoạt động KHCN, khởi nghiệp sáng tạo để giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn địa phương và khu vực.

CHẶNG ĐƯỜNG PHÍA TRƯỚC ĐẶT RA CHO HỆ SINH THÁI KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO MỞ CỦA VIỆT NAM

Năm 2015 được sự phối hợp hiệu quả của các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, sự ủng hộ, hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo trong và ngoài nước. Techfest luôn là sự kiện trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng, tạo ra sân chơi cho các tổ chức, cá nhân đổi mới sáng tạo để tiếp cận với các đối tác, với nhà đầu tư, các chuyên gia, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và các cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2015 đến nay, Techfest đã thu hút gần 27.000 lượt người tham dự trực tiếp, 37.000 lượt tham gia trực tuyến, 2.600 start up và 1000 nhà đầu tư tham dự. Tỷ lệ chuyên gia quốc tế tham dự Techfest luôn đạt trên mức 30%, hằng năm trung bình có từ 10 - 20 địa phương hưởng ứng tổ chức các chương trình Techfest Vùng và địa phương. Đồng thời, ra mắt nhiều mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cấp địa phương như tại Sơn La, Lai Châu, Cần Thơ... và cấp vùng như Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Qua đó tạo ra một chuỗi các hoạt động cộng hưởng, hướng tới Techfest Quốc gia. Không chỉ tổ chức tại Việt Nam, Sự kiện Techfest đã được giới thiệu với các đối tác và bạn bè quốc tế, qua đó, đã quảng bá hệ sinh thái khởi nghiệp, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam ra thế giới, đồng thời thu hút nguồn lực tài chính, chuyên gia, quỹ đầu tư, các tổ chức hỗ trợ của các nước cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam.

Hiện nay, Techfest quốc tế của Việt Nam đã được tổ chức tại các nước Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore, Úc và các quốc gia khác đã nhận được nhiều sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực. Bên cạnh đó, hoạt động kết nối, triển lãm, sự kiện, hội thảo về khởi nghiệp sáng tạo cũng được các Bộ ngành, địa phương, tổ chức chính trị xã hội tổ chức thường xuyên, góp phần thúc đẩy hợp tác, tạo sân chơi cho cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó, điển hình như sự kiện Ngày hội học sinh, sinh viên khởi nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức; Cuộc thi Start up Kite do Bộ Lao động và Thương binh Xã hội chủ trì; Cuộc thi Startup Wheel do Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC); Cuộc thi khởi nghiệp quốc gia; …

Chia sẻ về định hướng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo mở, ông Trần Văn Tùng - Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết: “Trong những năm gần đây, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo mở ở các tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đã thu hút sự tham gia đa dạng các thành tố cùng đồng hành với hệ sinh thái khởi nghiệp. Trước đây, những người làm khởi nghiệp tự nghĩ ra đầu bài, tự tìm hiểu và nghiên cứu đề xuất hình thành nên doanh nghiệp khởi nghiệp. Nên chăng, cần thay đổi cách tiếp cận và hướng đi theo hướng chính quyền địa phương, các tập đoàn, các tổng công ty sẽ là những người ra đề, đặt hàng và mua lại các giải pháp của các start up. Thông qua đó, địa phương và các tập đoàn sẽ hưởng lợi, tận dụng nguồn lực đổi mới sáng tạo để phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đất nước. Đây là một phương án, cách đi rất hiệu quả, là con đường nhanh nhất, ngắn nhất giúp các doanh nghiệp phát triển.

Ông Trần Văn Tùng, nguyên Thứ Trưởng Bộ KH&CN phát biểu tại Diễn đàn

Bên cạnh đó, hiện nay, các tỉnh đều đang triển khai, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, tại mỗi địa phương đều có các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu KH&CN. Do đó, các tỉnh địa phương cần nghiên cứu, đề xuất các cơ chế thí điểm phát triển loại hình doanh nghiệp KH&CN tại các viện nghiên cứu, trường đại học theo mô hình doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off). Mô hình spin-off này được hiểu là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực KH&CN, được hình thành trong các trường Đại học, các Viện nghiên cứu để thương mại hoá sản phẩm nghiên cứu khoa học, qua đó góp phần hình thành nên nhiều doanh nghiệp KH&CN cũng như nâng cao năng lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của vùng”, ông Trần Văn Tùng thông tin thêm.

Theo thông tin từ ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN cho biết “Trào lưu hiện nay ngày càng quan tâm đến phát triển bền vững, hiện nay trào xu hướng này đang được các tổ chức quốc tế, các chuyên gia khuyến khích tại nhiều diễn đàn. Chúng ta cần phát triển bền vững hơn là phát triển nóng, phát triển công nghiệp quá nhanh nhưng thiếu bền vững”.

Để giải quyết những thách thức trên, lấy thí dụ tại thực tiễn hoạt động xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Huế là một là địa phương hội tụ nhiều lợi thế, tiềm năng về văn hoá, lịch sử, con người, tài nguyên bản địa…bên cạnh việc bảo tồn phát huy di sản văn hóa Huế vừa có thể phát huy tốt lợi thế tiềm năng của mình cho phát triển bền vững, qua đó thu hút được nguồn lực quốc tế, đẩy mạnh phát triển bền vững xanh gắn với nguồn nhân lực con người.

Liên quan đến vấn đề về phát triển nguồn nhân lực con người, ông Trương Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia cho rằng “Một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng chính là một Startup, luôn cần có một Champion để dẫn dắt”.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Bùi Trung Hiếu - Phó Viện trưởng Viện đổi mới sáng tạo mở và doanh nhân công nghệ (OITI) cho hay “Cần đào tạo, tuyển chọn các thế hệ lãnh đạo tiên phong có đủ khả năng dẫn dắt hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, cũng như thúc đẩy sự phát triển của trung tâm đổi mới sáng tạo địa phương, góp phần kết nối các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy kết nối kinh doanh, giải quyết các thách thức gắn với thực tiễn”.

Trong thách thức luôn tiềm ẩn những cơ hội, hy vọng với sự tham gia tích cực, chủ động của các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cùng với sự kiến tạo về mặt hành lang pháp lý, sự hình thành của tổ chức, các mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia và địa phương, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung sẽ là điểm đến hấp dẫn, thu hút nhiều nguồn lực quốc tế đến đầu tư, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm góp phần thúc đẩy đổi mới và nâng cao vị thế Việt Nam trên bản đồ khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu.

Kiều Oanh
Các tin khác
Xem tin theo ngày